Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Xe Mới của Bé Bi

Ngày hôm qua là ngày 30 tháng 12 năm 2012 là ngày Bé Bi chia tay với chiếc xe HonDa Wave @ sau gần sáu năm gắn bó với chiếc xe này. Xe này ba  mua cho bé Bi năm 2007 với giá 17 triệu khi Bi thi đậu vào Đại Học Ngoại Ngữ, hai cha con chở nhau lên Đại lý xe Hon Da Tiến Thu để mua Số xe là 43A 4728. Bé Bi đã gắn bó với nó trong những năm đi học Đại Học Ngoại Ngữ Đà Nẵng, năm 1 - 2 lúc  đó còn ở Đường Lê Duẩn rối sau đó chuyển lên cở sở mới ở đường Lương Nhữ Học gần khu Chợ Đầu mối, rồi thêm hơn 2 năm học Đại học Duy Tân vào ban đêm để lấy bằng 2 ngành Quản Trị Du Lịch Khách Sạn.

Rồi những tháng đi dạy thêm và đi làm sau khi ra trường, đặc biệt là làm Phiên dich cho Ông Zang  ở Khu tái định cư Hòa Xuân đường trơn trượt vào những ngày mưa lụt ngã lên té xuống và có những lúc cũng chầy chân trặt gối. Xe hình như đi xa nhất cũng là Hội An và Điện Bàn.

Hôm Qua Bi đã bán xe lại cho Chú Thanh con Chú Thuận với giá hữu nghị là 8 triệu đồng, trước khi bán xe Bé Bi, Ba và mẹ Ái cũng đã đi xem nhiều loại xe cả ở các đại lý và cả trên mạng và cũng đắn đo nên mua loại xe gì cho vừa ý vừa đẹp, hợp thời và tiết kiệm xăng, đặc biệt là vừa túi tiền. Cuối cùng cả nhà quyết định mua xe FLY 125 IE VNcủa hãng PIAGGIO, số khung là 209188, số máy là 4009234, nói chung số đẹp đây là thương hiệu VESPA nổi tiếng của Ý và trong nhà mình Bi là đi chiếc xe hiệu VESPA sau Ông Nội đời xe VESPA năm 1968. Xe đời mới ra vào cuối năm 2012, dáng  đẹp, thời trang hợp cho nữ và Bi chon màu Xanh biển, màu này sang và sạch. Qua những tháng đi làm Bi cũng để dành được một số tiền cũng được hơn 20 triệu, bán thêm xe Hon Da Wave @ nữa còn lại ba góp thêm vào. Giá xe tổng cộng là 41,600.000 đồng kể cả bao biển. Hiện chưa có số do đang nghỉ lễ. Thứ Tư cậu Bờ và mẹ Ái sẽ đi làm Biển số, hy vọng chọn được số đẹp.

Như vậy đây là chiếc xe thứ 3 mang tên bé Bi cho đến bây giờ, chiếc đầu tiên là xe Hon Da Custom 50 số xe là 43KB -5003, ba mua cho Bi để đi học thêm năm Bi học lớp 11-12, hiện cu Dũng đang dùng để đi học, xe thứ 2 là xe HonDa trên và bây giờ là VESPA> Vậy là con đã hơn ba mạ rất nhiều rồi đó. Thời ba chỉ có đi xe đạp (Xe DURAL) nhôm mà ba vẫn còn giữ dưới nhà, ba đi xe đạp từ năm ba học lớp 10, học Cao đẳng, rồi Đại Học ở Huế, rồi ra trường đi dạy đến 10 năm sang làm Ở sở LĐTB&XH cũng vẫn chiếc xe đạp đó,  tính ra cũng 17 năm ba đi chiếc xe đạp đó và đi chiếc xe máy đầu tiên mua sau khi chuyển sang làm Sở LĐTB&XH QNĐN được 1 năm mới sắm được với chiếc xe HonDa cánh én nội địa sau khi mua xe của chú Đạo và xe HonDa 67 không thành như ba đã từng nói trong trang Blog này. Nói như vậy để con và Cu Dũng hiểu rằng Ba mẹ khó khăn và gian khổ như thế nào để các con có được như ngày hôm nay để mà cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa cho tương lại và cho gia đình mình sau này. Hy vọng con đi xe này giữ gìn và lâu dài hơn, nếu có đổi thì đổi xe tốt hơn và cố gắng làm tốt hơn nữa để sắm xe hơi vì thời đại  của các con là  thời của xe 4 bánh. Cố lên!

Ba chụp 1 số ảnh đầu tiên ngày con mới mang xe về:









Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

NÔNG SƠN -QUẢNG NAM

Lên Nông Sơn được 5 tháng rồi bây giờ mình mới viết đồi dòng về vùng đất này.

Thứ hai nào cũng cứ 6.00 là mình lại chuẩn bị hành lý lên Nông Sơn, Nông Sơn cách Đà Nẵng 85 km về phía tây nam. Thường thường Hòa ssang cho mình đi lên đến Cầu Vượt Hòa Cầm, hai anh em ngồi cà fe ở quán gốc đường, khi thì ăn bánh mì, khi thì ăn bún dọc đường, Ngồi chờ xe đi Trung Phước, lúc nào cũng sau 6.30 thì xe đến sau khi xe Hiệp Đức màu xanh, đến xe Trà My rồi đến xe Trung Phước. Gần như các chiếc xe đò đi Trung Phước là xe này cũ nhất và xấu nhất, không biết nó sinh ra từ thời nào những xe chẳng thấy tân trang gì cả, chạy thì cũng tốt.

Xe đến thì hai anh em chia tay mỗi người một hướng, Hòa đi Hiên theo hướng tây, còn mình thì lên xe xuôi về hướng nam. Ít nhất nó cũng dừng đón khách và bốc hàng khoảng 6 - 7 điểm  mới trực chỉ đến ngã ba Hương An. Đây là nơi xe dừng lại lâu nhất để khách tiểu tiên và cho tài xế nghỉ ăn sáng.

Từ Hương An đi Trung Phước cũng mất khoảng gần 1.20 phút, đến Quế Sơn rồi qua đèo Le, địa danh nổi tiếng với món Gà đèo Le, mà nghe nói ngon nhất là quán của Bà Châu ở đầu đèo Le. Mình cũng đã được thưởng thức 4-5 lần, ngon nhất là gà nướng, luôn luôn có thêm 1 dĩa xôi, còn gà hấp thì có thêm món cháo, món nào cũng 130.00 đ 1 con.

Qua đèo Le là đến xã Quế Lộc và Sơn Viên ở hai bên đường. Phía Sơn Viên thì có suối nước nóng, hiên vẫn chưa khai thác. qua Chợ Thơm của thôn Lộc Trung là đến ngã ba Cây Mùn và thêm 5 phút nữa là đến Trung Chợ Trung Phước, thuộc xã Quế Trung và đây cũng là trung tâm huyên Nông Sơn.

Đàng sau Chợ Trung Phước là thôn Đại Bình, một thôn nổi tiếng với trái Sầu riêng và trái Trụ vào tháng 7-8. Nếu có dịp bạn qua đó mới thấy cảnh rất đẹp, nhà nào cũng bao quanh với vườn cây trái. Vào thời gian đầu chưa thuê được nhà, ở tạm văn phòng thỉnh thoảng mính qua đò và sang Đại Bình đi bộ rồi về.

Hiện anh em Nong Sơn đang ở trọ 1 căn nhà nhỏ ở thôn Trung Phước 3. Nơi này nổi tiếng với nghề làm trầm, nghề nầy đã giúp cho nhiều hộ gia đình giàu lên do làm cây trầm cảnh rất lớn bán sang Trung Quốc, nghe nói có cây bán cả tỷ đồng, một bộ phần thanh niên nhờ đó cũng có công ăn việc làm. Phải nói chi có Nong Sơn mới chế tác ra các cây trầm đẹp như thiệt, một số thì làm ra các chuổi vòng đeo tay vòng đeo cổ rất đẹp.

Buổi sáng ở đây không khí trong lành, đi bộ và thư dãn rất thú vị. Phong cảnh rất thanh bình, người nông dân với con trâu với đồng lúa rất bình dị. Đa số người dân làm nông lam lũ và còn nghèo.

Mình gởi các anh chi em xem một vài hình ảnh của Nông Sơn cho biết và hen một dịp khác để giới thiệu tiếp vì còn một địa danh mà ai cũng muốn đến khi đến Nông Sơn, đó là Hòn Kẽ Đá Dừng năng ở địa đầu của huyện Nông Sơn thuộc thôn Tứ Nhũ, xã Quế Lâm. Hen các ACE dịp khác.

Bông Súng và đàn vit bên con trâu ăn cỏ

Mùa gặt

Bình minh sớm 

Bến đò Đại Bình nhìn từ Trung Phước

Thượng nguồn sông Thu Bồn 

Thôn Trung Phước 

Buổi sáng nhìn về phía thôn núi Sơn Viên

Vào mùa 

Cội nguồn

Cầu treoQuế Lâm

Đường thôn Đại Bình

Chùa Đại Bình

Đường thôn Đại Bình


Trường TH Đại Bình 

Cổng  ra bến đò thôn Đại Bình

Cổng thôn Đại Bình

Đường dẫn lên thôn Đại Bình

Bến đò Đại Bình





GIÁNG SINH NĂM 2012

Mùa Noel năm nay, thời tiết đẹp, không mưa cũng không lạnh nên gần như mọi người đi chơi rất đông. Đường đến các nhà thờ gần như đông người và xe cộ. Nhưng năm nay mình có cảm giác người dân không ăn chơi và mua sắm như mọi năm, các cửa hàng áo quần thấy sale off đến 30-50% cũng có khách ra vô nhưng không ai mua sắm gì mấy. Có lẽ do làm ăn không ra, lạm phát và thất nghiệp nhiều, nghe nói năm nầy không có thưởng, một số công ty không có lương 13 nên ai cũng than và nhịn ăn tiêu vào dịp cuối năm.

Gia đình cũng chẳng đi chơi đâu, mặc dù nghỉ Noel và Năm Mới cũng gần 10 ngày, ban ngày hai vợ chồng đi    chơi siêu thị, chủ yếu là xem vật giá giảm như thế nào. Ngày 21.12.2012. Ngày mà người ta đồn là Ngày Tận Thế Mình đến Siêu Thị Lotter, mới mở gần cầu Tiên Sơn, đến nơi gần như chen lấn để vào, đông ơi là đông, mà gần như đi ngó là chính vì mua mà chờ tính tiền chắc là xếp hàng như thời bao cấp. Mình thấy cảnh đó chợt liên tưởng đến Ngày Tận Thế nên cũng ngó sơ rồi ra về, cứ sơn có chuyện gì chắc là hết dường chạy.

Chiều 26.12.2012, đi ngang Khách sạn Indochina, thấy cũng thưa người nên tranh thủ và xem. Đúng là ế không có bao nhiêu khách dù đây là dịp người dân đi chơi và mua sắm. Hai vợ chồng có dịp để chụp một vài tấm hình kỹ niệm mùa Noel năm 2012, một năm thật nhiều khó khăn về kinh tế, thiên tai và thách thức...

Tùng lưu 1 số hình ảnh chụp tại KS Indochina, trong này Ái là chụp nhiều nhất, cứ nói chụp cho nhiều mà không sang ra để trong máy cho nặng.












Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

Huế - Quê Hương -Trường Cũ

Cũng lâu lắm rồi, mình mới có dịp trở về Huế và ở lại đôi ba ngày và cũng có dịp đi đây đi đó quanh cái  thành phố gần như đối với mình thật là êm ả và cổ kính.

Mà cũng thật gần  30 năm, từ khi ra trường và rời khỏi Trường đại Học Sư Phạm năm 1982-1983, Huế gần như không thay đổi mấy so với cái thời gian vời vợi gần nữa con người mà theo nhạc sĩ Y Vân đã có 1 bài hát "60 năm cuộc đời". Cũng có 1 số nét thay đổi ti tí kiểu như con mèo ngáy ngủ trở mình. Cái thấy rỏ nhất là chiếc cầu mới Bạch Hổ thay cho chiếc cầu xưa cũ đi từ Ga Huế sang sông Hương qua Đường Trần Hưng Đạo, tiếc cái là khi mình đến vào tháng 08.2012 thì cầu đang giai đoạn nước rút chuẩn bị khánh thành.

Vào thành Nội thì cũng có một vài công trình đang được trùng tu, nhìn cái cách các lối đi và gần như sơn đỏ chói của các lối đi vòng quanh tâm hướng ra sau Vườn Thượng Uyển, mình không biết có phải đúng theo lối xưa cũ của Triều đình Huế không ? nhưng nó có vẻ của Tử Cấm Thành của Trung Quốc trong các bộ fim cổ tranh Trung Quốc. Còn cách phục vụ du khách và buôn bán hàng lưu niệm cũng như cũ không thay đổi gì mấy, không biết doanh thu cho các tour Du lịch bây giờ cho thêm được gì không cho Thành Phố Du Lịch có tiếng Việt Nam Không?

Buổi sáng, không khí ở Huế thật trong lành và thanh bình, đi bộ trong công viên trước trường Đại Học Sư Phạm, ghé thăm trường cũ, khuôn viên cũ dãy phòng học nơi xưa kia mình học, nhìn ra cây hoa Hoàng Hậu và bải cỏ trước trường cũng vẫn như xưa. Hồi xưa mình cứ nhớ buổi sáng hoặc giờ ra chơi, thầy Trừng thường ra trước bải cỏ này xem hoa và đuổi bướm, nhìn thầy thật thơ ngây và trong sáng biết chừng nào, sáng nào cũng thấy thầy trò sinh viên ra trước gần KS Hương Giang ăn khoai sắn, mỗi người 1 dĩa với 1 dĩa muối lót bụng rồi vào học, thời kỳ bao cấp thầy trò thật nghèo, thật bình thường, bình dị nhưng chân chất và tình cảm. Thời đó cơm gế cơm độn, không lo toan không nghĩ ngợi mà chăm học mà thương nhau để nên đời.   bây giờ cuộc sống có sang hơn, sướng hơn hiện đại hơn nhưng học sinh không còn được cái tinh cái hồn của những sinh viên thế hệ trước. Có lẽ phú quí sinh lễ nghĩa và cơ chế làm thay đổi, con  người sống với nhau trong c người cảnh bon chen, vất vả và ít còn "tử tế với nhau" như nhạc sĩ Trinh Công Sơn đã từng nói.

Tùng chụp lại 1 số hình ảnh về Huế để nhớ và thương 1 mảnh quê hương, 1 khoảng trời kỹ niệm không thể nào quên. Còn 1 số ảnh trường ĐHSP không biết lưu ở đâu rồi, mình sẽ tải lên sau.

Bán bông cúng Rằm bên cầu Tràng Tiền

Cầu Trang Tiền nhìn từ Công viên Lê Lợi

KS Morin bên đường Lê Lợi

Công Viên dọc sông Hương

Đường Duy Tân 

Nam Châu Hội Quán - đường lên Nam Giao



Tiếng Chuông Thiên Mụ 

Cầu Tràng Tiền trầm mặc buổi sáng sớm
Bình minh trn sông Hương

Bến đò Thiên Mụ

Công Viên Lê Lợi Trước Cổng trường ĐH Sư phạm Huế

Dãy phòng học nơi mình đã từng học (sau cây hoa Hoàng Hậu)

Trở lại trường cũ sau 30 năm (1982-2012
Cổng trường ĐH Sư Phạm Huế





Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

Cây Râu Ngọc Hoàng

Lâu quá rồi không vào trang Blog này để thông tin về mọi công việc của gia đình. Đúng là tệ thật, một phần ít có dịp về thăm quê, một phần chẳng có ai con cháu tham gia đóng góp bài vở cho phong phú mạc dầu anh em và cháu chắt cũng thường xuyên lên mạng và cũng chát chúa cũng nhiều nhưng lại không dành 1 tí cho trang Blog gia đình. Sự đời nhiều khi cũng không nói được, nói chuyện thiên hạ thì siêng còn nói chuyện nhà thì thì nhác.

Thôi lần này phải lên quyết tâm cho mình. cứ 1 tuần lên ít nhất 1 bài cho có cập nhật, không nói quê hương, gia đình thì nói chuyện trời chuyện đất cũng được nghe miễn là có bài để cập nhật cho Blog kẻo ngày một tắt ngúm đi. Nếu anh em và con cháu có dịp ghé vào trang này thì xin góp bài tham gia thêm.

Bây giờ là bài cho tuần này:  Về cây Râu Ngọc Hoàng nhà mình.

Cây này có nơi thì gọi là cây Tóc Tiên, có người thì gọi là cây Râu Ngọc Hoàng. Cây này Tùng cắt ở nhà cuối đường làng gần đền Quốc Công Đặng Tất. mang về trồng rất nhiều nơi quanh nhà vào dịp anh em ra sơn quét nhà và làm cỗng ngõ ngày 2.09.2011. Tùng nhớ lúc đó mang sắt và dây cước để Anh Tuấn lên dăng trước hiên 5-6 đường và trồng cũng ba nhánh lớn cạnh góc trước nhà.

Lần trước ra với  mạ và A Tâm chị Cúc vào dịp lễ công nhận di tích Ngài Quốc Công Đặng Tất vào ngày 2.09.2012 thì cây cũng lên nhưng không dể ý và cây mọc không đều.

Tuần vừa rồi, hai vợ chồng ra Huế nhân dịp Tạ lăng Ông Ngoại vào ngày thứ sáu (7.12.2012). Buổi chiều tranh thủ chở Ái về làng, lâu quá cũng hơn 3 năm rồi Ái mới có dịp về lại thăm làng. Đi Honda từ làng Tân Sa  xã Vinh Xuân về đến nhà tính cũng xa hơn 27 km. Ghé Chợ Nọ, chợn chính của xã Phú Mậu mua bánh ít và bánh nậm và 1 hộp bánh và bông về cúng ông bà. Đi hướng nầy mới thấy lang hoa giấy Thanh Tiên trên đường về làng. bây giờ nhà nước đang đưa làng hoa Thanh Tiên nầy vào khôi phục thành lang nghề và tổ chức tour cho khách du lịch đến tham quan. Chắc là lần sau có dịp mình sẽ vào trong làng xem kỹ hơn để biết thêm.

Về tới nhà, mở cửa ra, mới thấy cây râu mộc lên trước hiên rất đẹp, từng sợi râu mọc tỏa xuống như một bức mành, những sợi non có màu đỏ tím và tỉa nhánh màu trắng trông đẹp một cách mơn mởn như lông mi của các cô gái mới lớn.






Hai vợ chồng quét dọn bàn thờ, màn nhện không biết ở đâu ra cũng thấy dăng khắp ngóc ngách. Thắp hương xong mình bắt dầu tỉa râu cho bằng phằng, rồi lại ngắm, Đúng là có cây râu này nhà mình đẹp thiết, buổi chiều có thêm một chút nắng vàng trông lại càng đẹp hơn, cũng có vẽ ra Villa rồi đó. Tùng chụp lại một số ảnh cây râu Ngọc Hoàng và nhà mình vào thời khắc này để anh chị em xem và thưởng thức.